Phát huy ưu thế giao thoa giữa 2 vùng kinh tế năng động

                Long An trong tương lai được định hướng trở thành tỉnh dẫn đầu của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về phát triển bền vững, được hỗ trợ bởi phương pháp phát triển toàn diện. Có bốn quan điểm cơ bản là kim chỉ nam cho Long An thực hiện trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050:

- Về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội: Long An phát triển trở thành một trong những tỉnh công nghiệp mạnh trong Vùng KTTĐ Phía Nam, giữ vị trí số 1 vùng ĐBSCL. Sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải đảm bảo các yếu tố sau:

  • Bền vững: kinh tế tỉnh Long An sẽ chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, với sự dịch chuyển theo hướng thân thiện hơn với môi trường, sử dụng công nghệ, tự động hóa sản xuất và dịch vụ, ứng dụng tiến bộ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
  • Cân bằng: giá trị kinh tế sẽ được kết hợp với các giá trị xã hội, không ngừng củng cố các giá trị văn hóa, an ninh, và dịch vụ công như y tế, giáo dục và đào tạo nghề.
  • Thích ứng và đổi mới sáng tạo: tích cực theo dõi và giảm thiểu những biến động do bệnh dịch, thiên tai và biến đổi khí hậu, phát triển và triển khai phương pháp agile (linh hoạt) trong quá trình phát triển xã hội tỉnh Long An.

- Về quan điểm phát triển không gian và cơ sở hạ tầng: Long An đảm bảo các quy hoạch phát triển không gian và cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường kết nối vùng, tận dụng vị trí chiến lược giữa vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, tăng cường kết nối quốc tế. Tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một trong những ưu tiên cốt lõi của Long An nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và phát triển dịch vụ logistics, tận dụng vị trí chiến lược của Long An.

- Về quan điểm tài nguyên và môi trường: Long An sẽ tập trung bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, có các biện pháp ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các hiện tượng này lên phát triển kinh tế - xã hội.

- Trên quan điểm quốc phòng và an sinh xã hội: Long An đặt quốc phòng và an sinh xã hội lên hàng đầu, bảo đảm ổn định an ninh biên giới, hòa bình, hợp tác và tăng cường các mối quan hệ quốc tế.

Đối với mục tiêu phát triển đến năm 2030, Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa, và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi sinh, cải thiện an sinh, giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Quan điểm phát triển của tỉnh Long An

Mục tiêu tổng quát này bao gồm 5 mục tiêu chính:

- Tăng trưởng kinh tế vững mạnh, mũi nhọn là các hoạt động công nghiệp xanh, bền vững và tự động hóa.

- Đầu tư dài hạn vào công nghệ, nghiên cứu và phát triển nhằm sản xuất và ứng dụng công nghệ vượt trội nhất, nhanh chóng bắt kịp những thay đổi trong nước, khu vực và quốc tế

- Kết nối hạ tầng tốt, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải để đón đầu nhu cầu từ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân Long An

- Đẩy mạnh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển các chương trình, quy định và hạ tầng giúp giảm thiểu tác động từ hoạt động kinh tế - xã hội (như cơ sở xử lý chất thải, nước thải).

- Liên tục cải thiện mức sống và chất lượng sống cho người dân Long An thông qua các biện pháp tích cực rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

5 mục tiêu tổng quát của tỉnh Long An

Ưu thế nổi bậc về hạ tầng giao thông

                Đồng bằng Sông Cửu Long từ lâu được xem là khu vực có mạng lưới giao thông kém phát triển nhất cả nước do điểm yếu về địa hình trãi rộng, bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch và chi phí đầu tư hoàn thiện là rất lớn (bao gồm phần móng trên địa hình yếu và cầu bắt qua sông). Thế nhưng Long An lại là tỉnh duy nhất tại đây sở hữu mạng lưới giao thông được đánh giá là hiện đại và đồng bộ nhất khu vực.

Bản đồ cao tốc phía Nam

Long An có 2 tuyến đường liên kết vùng với quy mô lớn nhất khu vực phía Nam và là 2 dự án quan trọng cấp quốc gia, bao gồm:

  • Vành đai 3: đoạn qua tỉnh Long An đi ven ranh giới giữa Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Bến Lức – Cần Giuộc, dự kiến đi vào khai thác tháng 6/2026. [Phụ lục 1]
  • Vành đai 4: tuyến đi qua địa phận các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc với quy mô 06-08 làn xe, dự kiến đưa vài khai thác năm 2028. [Phụ lục 2]

Long An sở hữu 3 tuyến Cao tốc giữ vai trò chiến lược trong sự phát triển kinh tế miền Nam, bao gồm:

  • Cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận: đoạn qua Long An dài 28km, quy mô 04 + 02 làn xe đã đi vào khai thác từ lâu. Định hướng nâng cấp lên 08 làn xe vào thời điểm thích hợp.
  • Cao tốc Bến Lức – Long Thành: là tuyến đường đi tắt kết nối 2 miền Đông và Tây của khu vực phía Nam, dự kiến khai thác vào năm 2025 với quy mô 4 làn xe, thời gian kịp thời để đồng bộ với Sân bay Quốc tế Long Thành. Định hướng đến năm 2030 nâng cấp lên 08 làn xe. [Phụ lục 3]
  • Cao tốc Hồ Chí Minh: được quy hoạch thực hiện sau năm 2020 theo quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đoạn qua Long An dài khoảng 100km, quy mô 04 làn xe.

Ngoài ra, bức tranh giao thông đường bộ Long An ngày càng hoàn thiện với 5 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, bao gồm:

  • Quốc lộ 1: đoạn qua tỉnh Long An dài 30km, từ ranh TPHCM đến ranh tỉnh Tiền Giang. Đây là tuyến đường huyết mạch của quốc gia, hiện đã được nâng cấp lên 04 làn đường ô tô, 02 làn hỗn hợp.
  • Quốc Lộ 50: kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang đi qua địa phận phía Đông của tỉnh Long An dài 26km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III với quy mô 02-04 làn xe.
  • Quốc Lộ 62: kết nối từ Thành phố Tân An đến khu kinh tế cửa khẩu tại Thị xã Kiến Tường dài 77km.
  • Quốc Lộ N2: là trục xương sống của Đồng bằng Sông Cửu Long. Quốc Lồ N2 còn là một phần của Cao tốc Hồ Chí Minh kéo dài từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) và kết thúc tại Cà Mau.
  • Quốc Lộ N1 (Đức Huệ - Châu Đốc): Quy hoạch đến năm 2020 sẽ thông tuyến trên địa bàn tỉnh Long An, quy mô chung đạt cấp IV, theo hai dự án là dự án đầu tư xây dựng đoạn Mỏ Vẹt – Bình Hiệp (Thị xã Kiến Tường) và dự án đầu tư xây dựng đoạn từ UBND huyện Đức Huệ - Châu Đốc (An Giang ). Quy hoạch sau năm 2020 sẽ nâng cấp đoạn nối dài đến đường Hồ Chí Minh (Đức Hòa) theo đường ĐT.822 và cải tạo tuyến đoạn Đức Huệ - Tân Hiệp (không theo tuyến ĐT.839) quy mô đạt tiêu chuẩn cấp III. Đồng thời, nâng cấp đoạn trùng ĐT.839 (hiện trạng cấp VI) đến sau 2015 nâng lên đường cấp IV. Sau năm 2020, nâng lên đường đạt cấp III. [Phụ lục 4]
  • Một số đường tuyến đường tại Long An cũng được quy hoạch theo quy mô “quốc lộ” có thể kể đến như:
    • Quốc lộ 14C.
    • Quốc lộ 50B (Đường trục động lực TPHCM – Long An – Tiền Giang): đoạn qua Long An có tên gọi là Đường tỉnh 827E. [Phụ lục 5]

Đối với bài toán hạ tầng giao thông, nguồn vốn luôn là vấn đề nan giải và tốn nhiều giấy mực cũng như tranh luận về ưu tiên đầu tư cho dự án nào trong giai đoạn nào. Để giải quyết tốt điểm nghẽn về đầu tư công, đặc biệt là đối với hạ tầng đường bộ với quan niệm “đại lộ sinh đại phú”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI nhất trí thông qua 11 công trình giao thông ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 [Phụ lục 6], bao gồm 3 công trình giao thông trọng điểm và 8 công trình giao thông đột phá. Cụ thể:

3 công trình giao thông trọng điểm:

  1. Đường tỉnh 830E [Phụ lục 2]
  2. Đường vành đai Thành phố Tân An [Phụ lục 7]
  3. Đường tỉnh 827E (Trục động lực TPHCM – Long An – Tiền Giang hay Quốc Lộ 50B đoạn qua địa phận tỉnh Long An) [Phụ lục 5]

8 công trình giao thông đột phá:

  1. Đường Lương Hòa - Bình Chánh [Phụ lục 8]
  2. Đường Hựu Thạnh - Tân Bửu [Phụ lục 9]
  3. ĐT826E, đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc [Phụ lục 10]
  4. Đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E [Phụ lục 10]
  5. Trục động lực Đức Hòa [Phụ lục 11]
  6. Nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu Kênh Ranh [Phụ lục 12]
  7. Đường Tân Tập - Long Hậu [Phụ lục 13]
  8. Nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 [Phụ lục 14]

Mùa xuân năm 2023

Tác giả: P-JC

Bài viết bạn đang xem thuộc 01 trong 07 bài viết phân tích về thị trường bất động sản Long An, bao gồm:

4 trụ cột của bất động sản Long An:

Dự báo thị trường:

Phụ lục thông tin quy hoạch trong bài viết:

Phụ lục 1: Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (Long An)

Phụ lục 2: Đường Tỉnh 830E (thành phần đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh)

Phụ lục 3: Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Phụ lục 4: Quốc Lộ N1 (Long An)

Phụ lục 5: Đường tỉnh 827E (Quốc Lộ 50B – Trục động lực TPHCM – Long An – Tiền Giang đoạn qua địa phận tỉnh Long An)

Phụ lục 6: 11 công trình giao thông ưu tiên đầu tư tại Long An giai đoạn 2020 – 2025

Phụ lục 7: Đường vành đai Thành phố Tân An

Phụ lục 8: Đường Lương Hòa - Bình Chánh

Phụ lục 9: Đường Hựu Thạnh – Tân Bửu

Phụ lục 10: Đường Tỉnh 826E (đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc) và đường nối vào Cầu Rạch Dơi

Phụ lục 11: Đường trục động lực Đức Hòa

Phụ lục 12: Mở rộng Đường tỉnh 824 và đường nối Thị trấn Đức Hòa đến Cầu Kênh Ranh

Phụ lục 13: Đường Tân Tập – Long Hậu

Phụ lục 14: Nút giao đường Hùng Vương và Quốc Lộ 62