Hệ thống cao tốc liên bang ở Mỹ thay đổi bộ mặt kinh tế
Để thấy được tầm quan trọng của những tuyến đường huyết mạch có lẽ chúng ta nên đi ngược thời gian về những năm đầu thế kỷ 20 và đi một nửa vòng trái đất đến nước Mỹ. Sau thế chiến thứ 2, sự phát triển mạnh mẽ của động cơ đốt trong giúp các doanh nghiệp sản xuất có thể di chuyển xa hơn ra ngoài khu vực ngoại thành để tận dụng nguồn tài nguyên và các lợi thế sẵn có về mạng lưới liên kết hiệu quả hơn.
Sự ra đời của “Hệ thống cao tốc liên bang” năm 1956 mang đến một bước ngoặc lớn trong sự phát triển kinh tế của nước Mỹ, cụ thể với hơn 75.000km đường cao tốc kết nối hơn 200 thành phố lớn giúp tạo nên trục xương sống cho nền kinh tế đến tận hôm nay. Sau 67 năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước tăng 6,5 lần (từ 3.000 tỷ USD lên gần 20.000 tỷ USD), 75% hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ đều dựa trên hệ thống cao tốc này. Minh chứng rõ nét nhất về thành quả của hệ thống cao tốc chính là sự hình thành của Vành đai công nghiệp tại vùng ngoại ô của các thành phố lớn. Các doanh nghiệp sản xuất lớn có thể tận dụng quỹ đất rộng vùng ngoại ô với chi phí thấp, đây cũng là xu hướng dịch chuyển tất yếu để tránh ô nhiễm và quá tải ở khu vực nội thành.
Với chi phí vận tải được giảm một cách đáng kể, cùng với đó là mạng lưới liên kết giữa các khu vực trọng điểm nhanh chóng được hình thành một cách tối ưu mang đến sự phát triển bùng nổ về kinh tế. Theo nghiên cứu của trang thông tin giao thông Public Purpose, 1 USD chi phí xây dựng cao tốc sẽ mang về 6 USD hiệu quả kinh tế và những doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi rất lớn bên cạnh nhu cầu di chuyển và giao thương của người dân.
Sự hình thành Vành đai công nghiệp tại Long An
Long An với vai trò cửa ngõ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long thừa hưởng một mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại bậc nhất khu vực phía Nam với 3 tuyến cao tốc (Quy hoạch đến năm 2030), 5 tuyến quốc lộ và 2 tuyến đường liên kết vùng quan trọng nhất phía Nam (Vành đai 3 và Vành đai 4), cụ thể:
3 tuyến Cao tốc:
- Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận: hiện hữu và tiếp tục mở rộng, nối dài về Cần Thơ.
- Bến Lức – Long Thành: đang thi công đạt tiến độ 80%, dự kiến khai thác năm 2025. [Phụ lục 1]
- Chơn Thành – Đức Hòa: đã bắt đầu thi công trở lại từ cuối năm 2023 sau nhiều năm ngưng do thiếu vốn.
5 tuyến quốc lộ:
- Quốc lộ 1A: tuyến đường huyết mạch kết nối liên tỉnh, đang nghiên cứu nâng cấp mở rộng.
- Quốc Lộ 50: kết nối các tỉnh ven biển miền Tây.
- Quốc Lộ N2: trục giao thông xương sống của Đồng bằng Sông Cửu Long, dự kiến mở rộng khi có khả năng do thường xuyên quá tải dịp lễ tết.
- Quốc Lộ 62: trục kết nối Việt Nam – Campuchia.
- Quốc Lộ N1: ngưng triển khai do thiếu vốn và ưu tiên cho những dự án trọng điểm. [Phụ lục 2]
2 tuyến kết nối liên vùng:
- Vành đai 3: thi công vào tháng 06/2023 và hoàn thành vào tháng 06/2026. [Phụ lục 3]
- Vành đai 4: thi công vào năm 2024 và hoàn thành vào năm 2028. [Phụ lục 4]
Các tuyến đường chính là nền tảng để xây dựng nên các vành đai công nghiệp, đặc biệt là xung quanh tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 tại Long An, nơi được quy hoạch hình thành nên trung tâm sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại Bến Lức, hệ sinh thái Cảng Quốc tế Long An với hạt nhân là Nhà máy điện khí hóa lỏng NLG, bên cạnh đó là các khu vực phát triển khu công nghiệp phụ trợ như Đức Hòa, Cần Đước… [Phụ lục 5]
Sự hình thành vành đai công nghiệp tại Long An là quá trình tất yếu tận hưởng sự “lan tỏa” sản xuất từ khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế đã có làn sóng dịch chuyển sản xuất từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) về các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Xét trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An là địa phương cuối cùng đón làn sóng dịch chuyển sản xuất công nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Long An có 37 KCN đã được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, trong đó 16 KCN đang hoạt động với 148.159 lao động đang làm việc. [Phụ lục 6]
Về cụm công nghiệp, đã có 22 CCN đi vào hoạt động với diện tích 1.342ha với tỷ lệ lắp đầy 77,67% với 21.000 lao động đang làm việc. Đang triển khai 38 CCN với diện tích 1.862ha.
Theo Báo cáo quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa công bố vào tháng 04/2022, đến năm 2030 toàn tỉnh Long An sẽ có 50 KCN với diện tích 17.601ha. Sau năm 2030 quy hoạch mới 18 KCN nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh lên 68 KCN với tổng diện tích 28.503ha.
Về cụm công nghiệp, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 46 CCN (chuyển tiếp từ quy hoạch cũ) với diện tích 2.270ha, xóa quy hoạch 15 CCN, điều chỉnh 1 CCN, đề nghị bổ sung mới 16 CCN đến năm 2030, sau năm 2030 quy hoạch mới 9 CCN, nâng tổng số CCN đến năm 2050 lên 68 CCN với diện tích 3.670ha.
Long An đứng thứ 4 cả nước về số lượng khu công nghiệp đang hoạt động
Chi tiết các vùng công nghiệp tại Long An
Vùng công nghiệp trung tâm: Thành phố Tân An – Bến Lức
- Khai thác lợi thế liền kề Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường liên kết vùng quan trọng như Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc Bến Lức – Long Thành, kết nối Cảng Quốc tế Long An: phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghiệp TP.HCM.
- Thời kỳ 2021 – 2030: tiếp tục triển khai 13 KCN và quy hoạch mới 03 KCN. Sau 2030 quy hoạch mới 01 KCN nâng tổng số KCN trong vùng lên 17 KCN với tổng diện tích 5.943ha.
Vùng công nghiệp phía Bắc: huyện Đức Hòa
- Thời kỳ 2021 – 2030: tiếp tục triển khai 13 KCN và quy hoạch mới 02 KCN. Sau 2030 quy hoạch mới 03 KCN nâng tổng số KCN trong vùng lên 18 KCN với tổng diện tích 7.852ha.
- Định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ và chế biến.
Vùng công nghiệp phía Đông: Cần Giuộc – Cần Đước – Châu Thành – Tân Trụ - Thủ Thừa
- Cảng Quốc tế Long An chính là hạt nhân hình thành nên vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hiện đại tại Cần Giuộc.
- Hình thành các KCN tập trung xung quanh Cảng Quốc tế Long An, định hướng nơi đây trở thành đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
- Thời kỳ 2021 – 2030: tiếp tục triển khai 14 KCN và quy hoạch mới 08 KCN. Sau 2030 quy hoạch mới 08 KCN nâng tổng số KCN trong vùng lên 30 KCN với tổng diện tích 10.061ha.
Vùng công nghiệp phía Tây: Thị xã Kiến Tường và các huyện Đồng Tháp Mười
- Trọng tâm là khu phi thuế quan cửa khẩu tại Thị xã Kiến Tường. Tập trung phát triển các KCN cửa khẩu và KCN phi thuế quan tại Kiến Tường và Đức Huệ.
- Thời kỳ 2021 – 2030: tiếp tục triển khai 03 KCN. Sau 2030 quy hoạch mới 07 KCN nâng tổng số KCN trong vùng lên 10 KCN với tổng diện tích 3.730ha.
Một số điểm nhấn trong phát triển công nghiệp tại Long An:
- Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có tỷ trọng lớn hướng đến giữ vững vị trí dẫn đầu trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, không ngừng thu hẹp khoảng cách với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và bằng nhóm khá trong vùng KTTĐPN vào năm 2030.
- Tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, tập trung các nhóm sản phẩm có giá trị thặng dư cao bên cạnh việc giảm phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp.
- Tập trung phát triển các vùng công nghiệp trọng để xây dựng nên những hệ sinh thái công nghiệp bền vững, hướng tới thu hút các tập đoàn sản xuất lớn trong và ngoài nước.
- Đối với những KCN đã quy hoạch đến năm 2030, phấn đấu mỗi năm đưa vào hoạt động 03 KCN, tạo ra 117.000 – 120.000 lao động hàng năm.
Mùa xuân năm 2023
Tác giả: P-JC
Bài viết bạn đang xem thuộc 01 trong 07 bài viết phân tích về thị trường bất động sản Long An, bao gồm:
4 trụ cột của bất động sản Long An:
- Bất động sản Long An: trụ cột thứ nhất – Vành đai công nghiệp, góc nhìn từ nước Mỹ xa xôi
- Bất động sản Long An: trụ cột thứ hai – Đầu tàu kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long
- Bất động sản Long An: trụ cột thứ ba – vai trò trong quy hoạch vùng và ưu thế về hạ tầng giao thông
- Bất động sản Long An - Trụ cột thứ tư – Chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và quy hoạch phát triển đô thị
Dự báo thị trường:
- Phân tích SWOT bất động sản Long An
- Kịch bản nào cho bất động sản Long An năm 2023
- Nhà đầu tư bất động sản Long An nên đầu tư vào đâu?
Phụ lục thông tin quy hoạch trong bài viết:
Phụ lục 1: Cao tốc Bến Lức – Long Thành
Phụ lục 2: Quốc Lộ N1 (Long An)
Phụ lục 3: Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (Long An)
Phụ lục 4: Đường Tỉnh 830E (thành phần đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh)
Phụ lục 5: Cảng quốc tế Long An
Phụ lục 6: Danh sách các khu công nghiệp tại Long An