Những nét phát thảo đầu tiên

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” diễn ra ngày 19 tháng 4 năm 2021 tại Thành phố Tân An với sự góp mặt của Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình, Ban quản lý Khu kinh tế Long An đã đưa ra đề xuất lập quy hoạch khu siêu kinh tế Long An với quy mô 32.300ha tọa lạc tại 2 huyện Cần Giuộc (toàn bộ) và Cần Đước (một phần), quy hoạch nằm trong định hướng phát triển kinh tế Long An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến được trình lên các ban ngành và Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.

Long An đang xây dựng một bản quy hoạch chi tiết thể hiện sự đồng bộ và quyết tâm xây dựng một nền kinh tế với vai trò đầu tàu kinh tế của Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có sự phối hợp hiệu quả giữa tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Toàn tỉnh sẽ định hướng phát triển 03 khu chức năng riêng biệt, trong đó Thành phố Tân An giữ vai trò trọng tâm cân bằng giữa 3 vùng:

  • Các huyện vùng Đồng Tháp Mười gồm Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa ưu tiên phát triển nông nghiệp để đảm bảo lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
  • Vùng đệm sinh thái giữa hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, bao gồm các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành được tập trung để phát triển đô thị sinh thái bên sông và năng lượng tái tạo.
  • Các huyện giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc và Cần Đước giữ vai trò đô thị vệ tinh và phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Với quy mô 32.300 ha tọa lạc tại khu vực giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, khu siêu kinh tế Long An thừa hưởng vị trí đắc địa cùng với mạng lưới giao thông đã và đang không ngừng hoàn thiện như Quốc Lộ 1A, Quốc Lộ 50, Trục động lực TPHCM – Long An – Tiền Giang (đang triển khai), tuyến đường ven biển miền Tây (quy hoạch) cùng hệ thống Cảng Quốc Tế Long An – nơi trung chuyển hàng hóa nông sản miền Tây ra thế giới.

            Khu siêu kinh tế Long An được quy hoạch với 7 phân khu chức năng, bao gồm: khu đô thị Cần Giuộc; khu đô thị Cần Đước; khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái, khi hình thành sẽ trở thành vùng kinh tế lớn nhất khu vực miền Nam, được phát triển theo mô hình của những khu siêu kinh tế trên thế giới như Aqaba (Jordan, 37.500 ha), Tô Châu (28.800 ha), Thiên Tân (46.000 ha), Bắc Kinh (22.500 ha) và Thanh Đảo (27.410 ha).

Long An bức phá mạnh mẽ

            Long An là địa phương sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi nhất trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để phát triển kinh tế khi tọa lạc ngay tại cửa ngõ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tình miền Tây, sở hữu Cảng biển quốc tế cùng hạ tầng giao thông hiện đại bậc nhất. Tỉnh Long An sở hữu chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ ba cả nước với hơn 13 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Long An sở hữu 62 cụm công nghiệp với quy mô 3100ha và 35 khu công nghiệp với quy mô lên đến 11000ha.

            Trong những năm vừa qua, Long An luôn cho thấy sự điềm tĩnh trên thị trường khi cho thấy những bước đi thận trọng và vững chắc trong việc quy hoạch và phê duyệt các dự án khu công nghiệp, bất động sản trên địa bàn để hướng đến một môi trường phải triển lành mạnh. Địa phương luôn nằm trong top dẫn đầu về thu hút đầu tư công nghiệp trong và ngoài nước với chính sách gọi mời đầu tư hấp dẫn cũng như ưu tiên phát triển quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp.

            Với những bước chuyển biến mạnh mẽ như trên, có thể thấy Long An đang vươn mình khẳng định vị thế đầu tàu của Đồng bằng Sông Cửu Long.